Có lẽ đối với nhiều bạn thì robot dọn dẹp đã là ‘bước tiến hóa’ tiếp theo của máy hút bụi cầm tay, tự động hóa hoàn toàn việc dọn nhà khiến con người được giải phóng sức lao động. Nhưng trên thực tế, robot dọn dẹp vẫn tồn tại những nhược điểm riêng so với máy hút bụi cầm tay, trong đó đáng nói nhất là việc không thể ‘len’ vào được những khe kẽ nhỏ, làm sạch trên bàn, giường và tất nhiên là không thể… leo lên tường được như Spider-Man để làm sạch tơ nhện.
Như cái tên cũng đã gợi ý, sản phẩm này được phát triển dựa trên dòng Deebot X2 Omni, dòng flagship của Ecovacs đã được ra mắt từ năm ngoái. Điểm khác biệt có lẽ bạn cũng có thể thấy được ngay, đó là ở bên cạnh hộp sạc của robot ta còn có một ‘cục’ nữa là chỗ để máy hút bụi cầm tay, tạo nên một ‘combo’ dọn dẹp nhà cả tự động lẫn ‘dùng sức người’. Ta sẽ để máy hút bụi cầm tay qua một bên, và điểm lại những thứ mà robot có thể làm được.
Kiểu dáng này giúp X2 Omni tiến sát vào chân tường hơn, đưa được bông lau xoay tới để lau một cách triệt để. Nhưng ngược lại, kiểu dáng vuông vắn cũng khiến X2 Omni dễ bị ‘kẹt’ lại ở những góc tường vuông góc, sẽ phải lùi lại rồi ‘lắc lắc’ một lúc thì mới thoát được.
Hệ thống cảm biến của X2 Omni đã được đặt chìm hoàn toàn vào thân robot, nên ta cũng không có ‘cục gù’ ở mặt trên. Thiết kế mỏng hơn giúp X2 Omni dễ ‘len lỏi’ vào những không gian hẹp, nhưng tất nhiên những khe quá nhỏ thì robot cũng không thể đi vào được – chính vì thế mà ta đã có thêm robot cầm tay.
Về khả năng dọn dẹp nhà, X2 Omni trang bị động cơ với lực hút 8700 Pa, vẫn nằm ở mức cao nhưng cũng đã có sự tụt lại so với chiếc T30 Pro Omni đã được trang bị lực hút 11.000 Pa. Sử dụng trên thực tế thì sự khác biệt chỉ nhận thấy được khi sàn nhà có nhiều bụi bẩn nặng, dính nước và có hơi dính vào sàn nhà, còn những bụi bẩn khô hàng ngày X2 Omni vẫn xử lý được tốt.
Bông lau của robot là dạng bông lau xoay, có thể nâng khoảng 1.5mm khi phát hiện đang đi lên thảm. Bông lau này sau mỗi lần đi lau nhà trở về dock sạc sẽ được làm sạch bằng nước nóng và sấy khô để tránh ‘di’ những vết bẩn ra chỗ khác, cũng như để tránh mùi hôi nếu không sử dụng tới. Bên cạnh đó thì nước lau nhà cũng sẽ được tiếp thêm cho robot với một hộp nước 4L bên trong hộp sạc.
2 tính năng thông minh khác của X2 Omni bao gồm điều khiển bằng giọng nói với trợ lý ảo YIKO và sử dụng robot làm camera an ninh có thể di chuyển dưới sàn! Như đã đề cập trong những bài đánh giá trước đó, tính năng điều khiển bằng YIKO hiện vẫn chỉ hỗ trợ những câu lệnh bằng tiếng Anh chứ chưa hỗ trợ tiếng Việt, một nhược điểm đối với thị trường nước ta.
Robot gần như không có sự thay khác gì so với phiên bản Deebot X2 Omni thông thường, ‘soi kỹ’ thì chỉ thấy lực hút được tăng lên một chút (8700 Pa so với 8000 Pa) nên phần thực sự thú vị là chiếc máy hút bụi cầm tay cơ!
Hộp sạc dành cho máy hút bụi cầm tay gắn liền với hộp dành cho robot, vì cả 2 đều có tính năng hút rác vào chung 1 túi rác. Để có tính năng này thì thiết kế liền khối là cần thiết, nhưng cũng sẽ tạo ra nhược điểm nhỏ là ta không tháo hộp sạc của 2 sản phẩm để ở những chỗ khác nhau được.
Máy hút bụi có thiết kế công thái học đủ tốt, với phần ‘cò’ để bắt đầu dọn dẹp đặt ngay chỗ đặt ngón trỏ. 2 nhược điểm nhỏ tôi có thể ‘soi’ được đó là nút bấm chỉnh chế độ hút lại được đặt ở mặt trước nên muốn nhấn phải dùng 2 tay; ngoài ra phần pin cũng đã được tích hợp sẵn nên không có khả năng thay thế nhanh nếu hết pin (một số dòng hút bụi cầm tay cao cấp có tính năng này).
Máy có tổng cộng 4 loại đầu hút, với 3 loại nhỏ có thể đặt trong một ngăn của hộp sạc, còn một cây lau dài thì sẽ được gắn vào ngàm ở cạnh bên. Đầu hút lớn nhất sẽ… thực hiện công việc tương tự với robot, đó là hút bụi ở dưới sàn. Đầu hút này có ưu điểm là có thể xoay linh hoạt sang 2 bên, bên cạnh đó là tích hợp đèn để khi đi vào những gầm bàn, gầm giường thì ta vẫn thấy bụi bẩn ở đâu để dọn.
Đầu hút dẹt nhưng có kích thước nhỏ hơn được tôi sử dụng để hút bụi trên mặt bàn, mặt ghế sofa. Loại này có một ‘cổng’ nhựa ở mặt trước, khi nhấn xuống sẽ tạo thành một vùng chân không hút mạnh hơn, nhưng sẽ không tích hợp đèn và cũng không xoay linh hoạt được như đầu hút lớn.
2 đầu hút nhỏ nhất sẽ có thể dùng một cách linh hoạt để dọn dẹp giá sách, khe kẽ nhỏ nhất. Trong đó 1 loại tích hợp thêm chổi để ‘quét’ qua những mạng nhện trên tường nếu nó dính quá chắc, loại còn lại thì có thiết kế mỏng nên sẽ rất thích hợp để hút khe giữa các ghế sofa, khe của tủ sách, góc nhà hay bất cứ nơi nào mà những loại đầu hút lớn không đi vào được.
Lực hút của máy hút bụi đạt mức 60AW, vẫn sẽ thua các sản phẩm khác trên thị trường. Tuy vậy, lực hút này cũng đã đủ để dọn dẹp trên tường, bàn ghế, kệ TV, các loại tủ còn việc dọn dẹp dưới sàn đã được đảm nhiệm bởi robot rồi, không nhất thiết phải có lực hút vượt trội để ‘quán xuyến’ mọi việc.
Phần hộp bụi của máy hoàn toàn có thể mở ra để vệ sinh, nhưng chỉ là vệ sinh sau một thời gian dài sử dụng, có nhiều bụi bẩn dính bết bên trong chứ việc lấy bụi ra khỏi máy đã được thực hiện bởi hộp sạc rồi.
Với chỉ một sản phẩm, Ecovacs đã giải quyết được sự phân vân của người dùng về việc mua robot hay máy hút bụi cầm tay. 2 sản phẩm này kết hợp lại tạo thành giải pháp dọn dẹp toàn diện, kết hợp được sức người lẫn robot để dọn sạch không bỏ sót một khe kẽ nào trong căn nhà hết!
Nhưng tất nhiên rồi, một sản phẩm hiện đại, tích hợp cả robot flagship lẫn thiết kế độc đáo như vậy cũng có mức giá không hề rẻ. Cụ thể, Deebot X2 Combo hiện đang có giá là 29.9 triệu Đồng, cao hơn 7 triệu Đồng so với phiên bản Dee X2 Omni thông thường. Đây sẽ là một sản phẩm hướng tới những gia đình có thu nhập cao, có một căn nhà rộng với nhiều đồ đạc – nơi mà chỉ robot dọn dẹp thôi là không đủ.